Khởi sắc ở Ninh Tây

| |
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung đầu tư. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) có nhiều chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân được cải thiện.

Quan tâm mở đường

Xã Ninh Tây có 1.399 hộ gia đình với 5.438 nhân khẩu, trong đó ĐBDTTS sinh sống ở 7/7 thôn, chiếm 57% số dân toàn xã. Người dân nơi đây đa phần sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng mía đường.

images5518279_thaithinh_5.jpg (237 KB)

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ninh Hòa đang trong quá trình hoàn thiện.
Cùng chúng tôi đi qua con đường bê tông dài hơn 2km vào khu sản xuất ở Buôn Đung, ông Y Hiêu - Trưởng thôn Buôn Đung cho biết, đây là con đường bê tông được UBND thị xã Ninh Hòa đầu tư và hoàn thành năm 2021 để người dân có thể thuận tiện vào khu sản xuất hơn 5ha của thôn. Trước đây, để trồng mía đường và rừng keo, người dân phải đi qua những con đường đất nhỏ hẹp, nhiều sình lầy vào mùa mưa. Đến thời điểm thu hoạch, do không có đường để xe vào, người dân phải mất thêm các khoản chi phí trung chuyển, nên dù được mùa nhưng thu nhập cũng hao hụt rất nhiều. Hiện nay, đường bê tông đã được đầu tư, nối liền với Tỉnh lộ 5 vào thẳng khu sản xuất, xe tải chở mía, keo nối đuôi nhau chạy vào tận nơi để vận chuyển. Nhờ đó, người dân đi làm đỡ vất vả hơn, giá thành khi thu hoạch nông sản cũng được tăng lên đáng kể.
 
images5518280_thaithinh_4.jpg (282 KB)
Học sinh ở xã Ninh Tây tới trường.
Bà H’ Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, không chỉ riêng ở Buôn Đung, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi được tập trung đầu tư, kết cấu hạ tầng vùng miền núi có nhiều chuyển biến đáng kể. Từ năm 2021 đến nay, HĐND xã Ninh Tây đã biểu quyết thông qua các danh mục đầu tư xây dựng cơ bản, gồm các công trình: Tuyến đường bê tông vào khu sản xuất, sửa chữa các hư hỏng ở suối Chình… Đến nay, các khu sản xuất ở 7/7 thôn của địa phương đều đã được đầu tư đường bê tông vào tận nương rẫy, tỷ lệ đường ô tô đến trung tâm xã và đến trung tâm các thôn được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%.
 
Chăm lo đời sống người dân
 
Theo báo cáo của Đảng ủy xã Ninh Tây, những năm qua, Trung ương đã ban hành các chính sách dân tộc đầy đủ và toàn diện trên mọi lĩnh vực, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Địa phương đã làm tốt những chính sách đặc thù phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội như: Hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh…
 
Thực hiện Nghị quyết 08 ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xã Ninh Tây đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể như: 7/7 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, điện, đường, trường học được nâng cấp. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, thị xã, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, UBND xã đã họp thống nhất lấy quỹ đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa tại thôn Buôn Sim, diện tích 47ha giao cho 47 hộ ĐBDTTS nghèo, mỗi hộ 1ha. Hiện nay, UBND tỉnh, thị xã và các ban, ngành liên quan đang làm các thủ tục giao đất cho ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất.
 
Cùng với đó, UBND xã đã phối hợp với Phòng Dân tộc thị xã và Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, hôn nhân cận huyết thống, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, các chính sách liên quan… với 300 người tham dự. Hiện nay, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ninh Hòa đã được đầu tư xây dựng, khi đi vào hoạt động sẽ đón hàng trăm học sinh DTTS ở xã Ninh Tây tới trường với quãng đường gần và thuận tiện hơn. Mặc dù còn những khó khăn, nhưng nhìn chung, đời sống của ĐBDTTS đã được cải thiện đáng kể.
 
Trước năm 2021, xã có 126 hộ nghèo, hiện tại còn 98 hộ; tỷ lệ ĐBDTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2021 đạt 75%, hiện nay đạt 100%; số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 100%; 100% học sinh mẫu giáo 5 tuổi và trong độ tuổi tiểu học được đến trường, tỷ lệ theo học THCS đạt 90%, THPT và trung cấp nghề đạt hơn 58%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 85,15%; tỷ lệ ĐBDTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; số lao động có việc làm đã qua đào tạo trong độ tuổi lao động đạt 84,55%.
Nguồn: Báo Khánh Hòa