Xã Diên Sơn: Nguy cơ mai một nghề chằm nón

| |
Đã có một thời, nghề chằm nón ở xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh) là nghề mang lại thu nhập chính của nhiều hộ dân. Nhưng giờ đây, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một vì lớp trẻ không còn mặn mà với nghề.

Nghề lắm công phu

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Kim (60 tuổi, thôn Tây 3, xã Diên Sơn) lại cần mẫn, tỉ mỉ chuẩn bị nguyên liệu cho việc chằm nón, từ phơi lá, vạch lá, kéo lá đến phơi và chẻ các thanh dứa, rồi bỏ vào các lỗ thiếc có kích thước khác nhau để kéo cho tròn và mượt. Khi mặt trời đứng bóng, bà Kim mới ngồi xuống lấy khuôn nón để xoe lá và chằm nón. “Công việc tuy không vất vả nhưng mất nhiều thời gian do có nhiều công đoạn nhỏ nhặt, có khi làm từ sáng đến chiều muộn. Mỗi ngày, tôi chằm được 5 - 6 cái nón”, bà Kim nói. Được biết, từ khi còn nhỏ, bà Kim đã được mẹ dạy cho nghề chằm nón. Một thời, nghề này là thu nhập chính của gia đình bà, người già, trẻ em trong nhà đều tham gia chằm nón.

5459139d-2737-4ac0-bac3-7442af3d5b7f_1_201_a_20241121114318.jpeg (455 KB)

Nghề chằm nón lá truyền thống ở xã Diên Sơn
 

Bà Lê Thị Mai (58 tuổi, thôn Tây 3) cũng có thâm niên gần 40 năm theo nghề chằm nón. Là nghề cha truyền con nối nên đến giờ, bà Mai vẫn giữ thói quen hằng ngày miệt mài bên khung nón. Từ khi còn nhỏ, bà đã thấy các mẹ, các chị tay kim, tay lá thoăn thoắt ngồi chằm nón nên lớn lên, bà đã thành thạo các công đoạn để làm được chiếc nón hoàn chỉnh. Tuy đây là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình bà và các hộ dân trong thôn. Lúc đó, nhà nhà chằm nón, cả làng chằm nón. Bà Mai cho hay, để làm được những chiếc nón lá đẹp, bền đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, công phu. Lá dùng để làm nón được mua từ huyện Khánh Vĩnh, người thợ phải phơi khô, sau đó hơ trên nồi than nóng, kéo đi kéo lại, rồi vuốt cho thẳng. Công việc này khá cầu kỳ và cũng là khâu quan trọng, quyết định đến độ bền và tính thẩm mỹ của chiếc nón. Công đoạn làm dành nón cũng mất nhiều thời gian, mỗi nón có 16 dành từ nhỏ đến lớn. Dành nón được làm từ thanh dứa, vót nhỏ và đều để khi nối không chắp, không gợn. Sau khi chuẩn bị xong các vật liệu, người thợ sẽ cho các dành nón vào chiếc khung hình tháp để định hình. Tiếp đến là công đoạn xếp, xoe lá, rồi dùng sợi cước nhỏ để khâu cố định lại. Dù đã có kinh nghiệm hàng chục năm cùng với đôi tay khéo léo, mỗi ngày bà Mai cũng chỉ làm ra được 5 chiếc nón.

Nguy cơ mai một

Theo chia sẻ của các thợ chằm nón, đầu mối thu mua nón thô (chưa quét dầu, chưa xỏ dây) với giá 14.000 đồng/cái. Trong khi tiền mua nguyên liệu (lá, dứa, cước…) đã gần 7.000 đồng/cái. Với mỗi cái nón lá hoàn chỉnh, người thợ chỉ thu về 7.000 đồng tiền công nên thu nhập chỉ hơn 30.000 đến hơn 40.000 đồng/ngày. “Vì là nghề cha truyền con nối nên những người lớn tuổi như chúng tôi vẫn cố duy trì nghề chằm nón. Đời con cháu trưởng thành và có công việc thu nhập cao hơn nên không còn theo nghề này nữa. Tôi cũng lo nghề chằm nón sẽ bị mai một dần khi lớp các bà, các chị như chúng tôi không còn nữa”, bà Kim nói.

978f8591-fd2a-4e55-a227-3c585e488a19_1_201_a_20241121114612.jpeg (368 KB)

Bà Lê Thị Mai có thâm niên gần 40 năm theo nghề chằm nón
 

Thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến nhiều hộ dân không còn theo nghề. Thợ chằm nón hiện nay tại xã Diên Sơn chủ yếu là các bà, các chị lớn tuổi, lấy công làm lãi để kiếm thêm thu nhập. Bà Đào Thị Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Diên Sơn cho biết, trên địa bàn xã còn 15 người làm nghề chằm nón. Một số người chằm nón đặt (sản phẩm hoàn chỉnh có quét dầu, xỏ dây đeo, trang trí…) với giá bán từ 80.000 đến 100.000 đồng/cái. Tuy nhiên, do yêu cầu của loại nón đặt cao và cần nhiều nguyên liệu nên mỗi ngày thợ chỉ làm được 1 cái. Sau khi trừ chi phí, thợ cũng chỉ thu tiền công được 40.000 đồng/ngày. Còn những người thợ lớn tuổi chỉ chằm nón thô, nhập cho các đầu mối với giá 14.000 đồng/cái. Với xu thế phát triển hiện nay, do thu nhập thấp nên lực lượng lao động trẻ không mặn mà với nghề chằm nón. Trong khi đó, các hộ dân làm nghề này cũng không có nhu cầu vay vốn nên hội cũng chưa có hỗ trợ. Hy vọng, trong thời gian tới, các cấp, ngành, đặc biệt là các cơ sở du lịch quan tâm triển khai mô hình du lịch kết hợp tìm hiểu, khám phá nghề truyền thống để cùng địa phương bảo tồn nghề chằm nón.

Ông NGUYỄN TẤN CƯỜNG - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh: Trên địa bàn huyện có các nghề truyền thống như: Chằm nón, đúc đồng, làm bún, bánh tráng, nem chả... Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái. Trong thời gian tới, huyện sẽ kết nối với Sở Du lịch và các công ty lữ hành để quảng bá và đưa khách du lịch đến với Diên Khánh; triển khai xây dựng, hình thành các tour du lịch trải nghiệm văn hóa, tham quan làng nghề truyền thống. Đồng thời, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, huyện sẽ hỗ trợ đầu tư có trọng điểm một số hộ cải tạo vườn, nhà vườn, khôi phục và bảo tồn một số ngành nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch cộng đồng nhằm đa dạng hóa các dịch vụ, sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện, nhất là du lịch trải nghiệm.

Nguồn: baokhanhhoa.vn