Trên 1.100 hội viên, nông dân tỉnh Khánh Hòa vươn lên thoát nghèo
Ngày 7/9, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Đến nay, phong trào đã được phát động sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn, đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Phong trào đã thúc đẩy nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo vùng sản xuất tập trung.
Hội viên nông dân huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và mô hình trồng bưởi da xanh này đã cho thu nhập ổn định. Ảnh: C.Tâm
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu nhập hằng năm tăng đáng kể; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương có thu nhập ổn định, nhiều nông dân tiêu biểu được các cấp khen thưởng.
Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi điển hình đơn cử như: Nông dân Lê Quang Toàn, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh với 15ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt, hàng năm tổng thu nhập trên 10 tỷ đồng, đạt danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018; ông Bùi Sơn Hồng, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm với mô hình kinh doanh dịch vụ, tổng thu nhập trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 43 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, đạt danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.
Tỷ phú chả cá Phạm Thị Thuận ở xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Công Tâm
Ngoài ra, còn có ông Lê Minh Quyền TP. Nha Trang, với 76 ô lồng nuôi cá mú, cá bớp, tôm hùm xanh, tôm hùm sao, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí 3 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động, đạt danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020; ông Lê Văn Nhân, xã Diên Điền (Diên Khánh) với 4 ha trồng xoài cát hòa lộc và xen canh các loại đu đủ, ớt, 1 ha nuôi cá nước ngọt, 2,3 ha lúa và máy cắt lúa liên hợp, máy cày đất, tổng thu nhập trên 3,7 tỷ đồng.
Nông dân TP.Nha Trang phát triển mô hình rau thủy canh và được người dân ưa chuộng. Ảnh: Công Tâm
Gần đây, có nông dân Phạm Thị Thuận, xã Vạn Phú (Vạn Ninh) với cơ sở chả cá Thuận tạo công ăn việc làm cho trên 100 lao động, đạt danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; nông dân Đoàn Văn Hưởng xã Khánh Thành (Khánh Vĩnh) với diện tích trên 10ha bưởi da xanh, tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; nông dân Phan Kiến Nghĩa xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa) với tổng diện tích canh tác khoảng 100ha trồng mía và các loại cây ăn quả, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương.
Nghề làm chả cá của cơ sở Phạm Thị Thuận còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương có thêm thu nhập. Ảnh: Công Tâm
Hàng năm, Hội Nông dân các cấp đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới, dạy nghề tham quan, hội thảo, hội nghị đầu bờ, tín chấp cho nông dân vay vốn.
Các phụ nữ ở địa phương đã có thu nhập ổn định nhờ công việc làm chả cá. Ảnh: Công Tâm
Đồng thời, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể, ký nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với các sở, ngành về đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn.
Bên cạnh đó, Hội nông dân các cấp còn vận động hội viên, nông dân đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tập trung các cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trong vùng, áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, thực hiện công tác hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP,...
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn đã góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã đại diện cho người sản xuất ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng. Nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Được biết, chiều nay (7/9) tại Trung tâm hội nghị 46 Trần Phú, Nha Trang sẽ diễn ra phiên thứ nhất Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Nguồn: Báo Dân Việt
- [06/12/2024] Chốt kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ
- [05/12/2024] Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm
- [05/12/2024] "Liều thuốc đủ mạnh" về công tác cán bộ
- [03/12/2024] Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh
- [03/12/2024] Một giống lúa mới trình diễn lần đầu, nhiều nông dân ở Khánh Hòa mê tít
- [07/09/2023] Phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2023: Giới thiệu các sản phẩm đặc trưng
- [05/09/2023] Lãnh đạo thị xã Ninh Hòa gặp mặt Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028
- [05/09/2023] Nuôi cá bè vẫu bằng thức ăn công nghiệp
- [05/09/2023] Hướng nuôi mới để nâng cao năng suất ốc nhảy
- [01/09/2023] Từ hào khí Quốc khánh 2-9 đến khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh