Tổ Hội nghề nghiệp Đan gùi truyền thống ở xã Ninh Tây: Tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân

| |
Tuy mới thành lập gần 3 tháng, nhưng Tổ hội nghề nghiệp đan gùi truyền thống ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) đã bước đầu giúp một số đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê quảng bá sản phẩm, có thêm thu nhập.   

Tham gia Tổ Hội nghề nghiệp

Ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây cho biết, xưa nay, đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê thường đan gùi để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cũng có khi bán lại nếu số gùi đan dư so với nhu cầu. Tuy vậy, theo thời gian, số người biết đan gùi ngày càng giảm. Qua khảo sát, Hội nhận thấy vẫn còn nhiều nơi có nhu cầu mua gùi để sử dụng và làm đồ lưu niệm. Để duy trì nghề truyền thống và tạo thu nhập cho bà con, sau khi đề xuất và được Đảng ủy xã đồng ý chủ trương, tháng 5-2024, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ Hội nghề nghiệp Đan gùi truyền thống gồm 7 thành viên. Hội cũng trích 1 triệu đồng từ nguồn kinh phí của hội để hỗ trợ hoạt động ban đầu của tổ; đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của tổ qua nhiều kênh. Mới đây, Hội đã đăng ký tham gia 1 gian hàng tại Phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2024 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào đầu tháng 8 để giới thiệu một số sản phẩm địa phương, trong đó có chiếc gùi truyền thống của đồng bào Ê Đê ở Ninh Tây.
Niềm vui của bà con vì có thêm thu nhập từ nghề đan gùi.
Niềm vui của bà con vì có thêm thu nhập từ nghề đan gùi.
 
Ông Y Sum (Buôn Đung, Tổ trưởng Tổ Hội nghề nghiệp) cho biết, chiếc gùi của đồng bào Ê Đê hiện nay được đan từ nan tre lồ ô và dùng sợi mây làm quai, thân cây nhàu làm đế. Gùi có 4 cỡ, tính theo đường kính miệng gùi. Hồi nhỏ, ông được cha dạy cho cách đan gùi; sau này lớn lên, lập gia đình, thỉnh thoảng ông mới đan 1 - 2 chiếc để sử dụng. Tới khi bị bệnh, không đủ sức khỏe đi làm thuê, ông mới nghĩ đến việc đan gùi bán vì đây là công việc có thể làm lúc nông nhàn tại nhà, phù hợp với những người sức khỏe hạn chế. Nhưng lúc đó, ông chỉ bán được cho vài người trong thôn. Việc thành lập Tổ Hội nghề nghiệp đan gùi giúp bà con có thể hỗ trợ nhau trong các công đoạn đan gùi, quảng bá sản phẩm rộng rãi, từ đó tăng lượng khách hàng, thêm thu nhập. Ông Y BRốt (71 tuổi, Buôn Đung) cho hay, nhờ có Tổ Hội nghề nghiệp, những người cao tuổi như ông cũng có thể tham gia và có thêm thu nhập.
 
Kết quả bước đầu
 
Bà H’Rê (Buôn Đung) cho biết, bà dùng gùi khi đi rừng, đi rẫy vì giỏ nhựa không có quai đeo, phơi nắng một thời gian bị giòn, vỡ; ba lô hoặc túi ni lông đựng rau, chuối sẽ bị giập nát. Chiếc gùi đan ngậm nước thì dẻo dai, để khô lại cứng cáp và có thể dùng tới 4 - 5 năm.
 
Theo ông Y Sum, để đan một chiếc gùi chủ yếu cần công sức của người thợ, thêm một ít chi phí mua sợi mây, còn lại được khai thác từ một số loại cây có sẵn. Trung bình 1 tháng, mỗi người đan được chừng 10 gùi. Từ khi thành lập đến nay, cả Tổ Hội nghề nghiệp đã đan 90 gùi, bán được hơn 50 chiếc. Vào mùa thu hoạch mía, bà con bán được nhiều hơn. Riêng tại Phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2024, tổ bán được 10 chiếc, thu 3 triệu đồng. Với giá bán 270.000 đến 500.000 đồng/gùi tùy kích thước, các thành viên của Tổ Hội nghề nghiệp đã bước đầu có thu nhập.
 

Bà H'Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, việc thành lập Tổ Hội nghề nghiệp Đan gùi truyền thống vừa góp phần gìn giữ, quảng bá một nghề truyền thống, vừa tạo điều kiện cho bà con kinh doanh sản phẩm thủ công. Do tổ hội nghề nghiệp mới thành lập nên số lượng thành phẩm chưa nhiều. Tuy nhiên, xã sẽ cố gắng hỗ trợ tổ hoạt động bằng nhiều cách. Trước mắt, xã sẽ tăng cường hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tổ tại các hội chợ, trên mạng xã hội, hệ thống truyền thanh xã; hàng năm lồng ghép quảng bá sản phẩm tại hội thi các làng văn hóa, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày hội cúng bến nước; đồng thời tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ hoạt động của tổ… 

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tin tức khác