Mô hình nuôi bò sinh sản tại huyện Diên Khánh: Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thôn Lỗ Gia hiện có 82 hộ với gần 378 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 7 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã cho biết, với đặc thù địa phương, việc chăn nuôi bò để cải thiện thu nhập, đời sống cho bà con thôn Lỗ Gia là phù hợp. Hiện nay, thôn có 60 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để chăn nuôi bò với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng, trong đó có 49 hộ đang chăn nuôi, tổng số đàn bò gần 160 con. Riêng dự án nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng kinh phí hơn 240,5 triệu đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 228,7 triệu đồng). Dự án hướng đến tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và trở thành mô hình chủ lực để bà con học tập, nhân rộng trên địa bàn xã. Địa phương cố gắng phấn đấu sau 2 năm thực hiện dự án sẽ có từ 2 đến 4 hộ thoát nghèo.
Tại thôn Đá Mài (xã Diên Tân), dự án chăn nuôi bò sinh sản vừa được triển khai cho 14 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo với tổng kinh phí thực hiện hơn 448,1 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 425,9 triệu đồng, vốn đối ứng của các hộ tham gia hơn 22,2 triệu đồng. Ông Dương Đình Thăng – Phó Chủ tịch UBND xã Diên Tân cho biết, dự án góp phần tạo việc làm cho lao động của các hộ và lao động thời vụ tham gia hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa. Mục tiêu của dự án là các hộ dân tham gia sẽ có mức thu nhập tăng tối thiểu 20-30% từ việc chăn nuôi bò sinh sản, dự kiến trong 2 năm tới cả 15 hộ tham gia sẽ thoát nghèo. Trong quá trình chăn nuôi, xã sẽ thường xuyên giám sát, theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật, đôn đốc người dân tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh trên đàn bò sinh sản; hỗ trợ phối giống để tạo đàn bò chất lượng cao. Sau 2 năm chăm sóc và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi, mỗi con bò cái sẽ sinh sản 1 con bò con. Sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí, các hộ sẽ có lãi và vẫn còn con bò mẹ sinh sản để tiếp tục duy trì.
Ông Võ Văn Châu – Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, huyện có 2 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số là thôn Lỗ Gia (xã Suối Tiên) và thôn Đá Mài (xã Diên Tân). Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực về nhiều mặt, trong đó có việc quan tâm tạo mô hình sinh kế, giúp bà con nâng cao thu nhập. Từ tháng 12-2024, dự án chăn nuôi bò sinh sản được triển khai ở 2 thôn (mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò sinh sản), mỗi thôn thành lập 1 nhóm cộng đồng có trưởng nhóm là người làm kinh tế giỏi để hướng dẫn bà con sản xuất, đồng thời trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Việc hỗ trợ không chỉ nhằm giúp bà con có sinh kế thoát nghèo, mà còn góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Nguồn: baokhanhhoa.vn
- [26/01/2025] Xây dựng các chuỗi liên kết nông lâm thủy sản bền vững
- [22/01/2025] Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức Chương trình “Tết nhân ái - Xuân Ất Tỵ” năm 2025
- [16/01/2025] Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm và tặng quà các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- [14/01/2025] Hội Nông dân tỉnh tổ chức đi thăm, tặng quà Tết Nguyên đán 2025 cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh
- [14/01/2025] Ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết
- [31/12/2024] Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- [31/12/2024] Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024
- [31/12/2024] Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn: Thủ tướng đối thoại với nông dân, để vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- [31/12/2024] Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2024: Công tác tập hợp ý kiến được thực hiện rất công phu, khoa học
- [31/12/2024] Người nuôi tôm cần tuân thủ lịch thời vụ năm 2025