Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 5, khoá VIII: Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031

| |
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 5 (khoá VIII) các đại biểu đã thảo luận 6 nội dung quan trọng liên quan đến công tác Hội và phong trào nông dân trong giai đoạn mới.

Sáng ngày 10/6, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 5 (khoá VIII) chính thức khai mạc. Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5, khoá VIII. Ảnh: Kiều Tâm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Thực hiện Chương trình công tác toàn khóa, hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII tổ chức Hội nghị lần thứ 5 để bàn, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác Hội và phong trào nông dân, cụ thể:

1. Dự thảo Báo cáo Sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

2. Dự thảo Kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2025–2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX.

3. Dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2026–2031.

4. Dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

5. Dự thảo Đề án Ủy ban Kiểm tra các cấp nhiệm kỳ 2025–2030.

6. Dự thảo Hướng dẫn công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội cấp xã, cấp tỉnh và các nội dung quan trọng khác.

Các đồng chí Thường trực, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham dự Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5, khoá VIII sáng ngày 10/6. Ảnh: Kiều Tâm. 
 

Trong 6 tháng cuối năm 2025, các cấp Hội bước vào mô hình hoạt động mới, không còn bộ máy tham mưu riêng mà hoạt động chung trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 6 tháng cuối năm cũng là thời gian diễn ra Đại hội Hội Nông dân cấp xã, cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 và chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ IX Hội Nông dân Việt Nam.

Với tinh thần đổi mới, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, đồng chí Lương Quốc Đoàn đã gợi mở một số nội dung trọng tâm để các đồng chí nghiên cứu, thảo luận, thống nhất tại Hội nghị:

Thứ nhất: Về công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Năm 2025 là năm thứ 2 triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời là năm trọng điểm triển khai chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp, hợp nhất tổ chức Hội theo mô hình chính quyền 3 cấp: Trung ương, tỉnh, xã và sắp xếp bộ máy giúp việc các tổ chức chính trị- xã hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, các cấp Hội Nông dân đã tích cực tham mưu triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, làm công tác tư tưởng, động viên cán bộ hội nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo Nghị định 177, 178 và Nghị định 67 sửa đổi một số điều Nghị định 178.

Riêng Trung ương Hội đã xắp xếp tinh gọn bộ máy từ 15 đầu mối còn 8 đầu mối; đến nay đã có tổng số 53 cán bộ, công chức, viên chức người lao động Cơ quan Trung ương Hội nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo Nghị định 178.

Hội Nông dân các cấp cũng tập trung cao cho việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng các văn bản thực hiện sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền…; trong bối cảnh đó, công tác Hội và phong trào nông dân cả nước vẫn đạt kết quả tích cực: 14/18 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch năm, trong đó 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch cả năm.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 5 (khoá VIII) các đại biểu đã thảo luận 6 nội dung quan trọng liên quan đến công tác Hội và phong trào nông dân trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng của Trung ương. Đặc biệt là, Trung ương Hội đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, kịp thời xây kế hoạch thực hiện các Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là 4 nghị quyết “trụ cột”: Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết số 66, Nghị quyết số 68.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân Việt Nam các cấp cũng tích cực lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

 

Thứ 2: Về hệ thống văn kiện chuẩn bị tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp

Đại hội Hội Nông dân cấp xã, tỉnh nhiệm kỳ 2025–2030 sẽ diễn ra sau Đại hội Đảng bộ các cấp, còn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX sẽ tổ chức sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và bầu cử Quốc hội khóa XVI vào đầu năm 2026. Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Ban Thường vụ Trung ương Hội trình các dự thảo văn kiện để xin ý kiến Ban Chấp hành về: Đề cương Báo cáo chính trị, sửa đổi Điều lệ Hội; Đề án Ủy ban Kiểm tra và kế hoạch Đại hội và nhân sự.

Thứ 3. Để đảm bảo chất lượng, tính toàn diện trong tổng kết thực tiễn và đề xuất nhiệm vụ chiến lược có tính khả thi trong khi cần tập trung tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp, Ban Thường vụ Trung ương Hội xin ý kiến Ban Chấp hành về việc lùi thời gian sơ kết, tổng kết một số nghị quyết đã đề ra trong Chương trình công tác toàn khóa sau: Đó là: Nghị quyết 10-NQ/HNDTW (năm 2020) về phát triển kinh tế tập thể; Nghị quyết 07-NQ/HNDTW (năm 2005) về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; Nghị quyết 06-NQ/HNDTW (năm 2006) về đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ của Hội; Quyết định 81/2014/QĐ-TTg về phối hợp tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Tại Hội nghị lần này, Ban Thường vụ Trung ương Hội trình các dự thảo văn kiện chuẩn bị tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp để xin ý kiến Ban Chấp hành. Ảnh: Kiều Tâm

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Trước khi Hội bước vào giai đoạn hoạt động mới, theo mô hình tổ chức mới, do yêu cầu sắp xếp tổ chức chính quyền 2 cấp và sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả; các tổ chức chính trị được sắp xếp vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trong thời gian tới, có thể có thêm nhiều đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội nghỉ công tác hoặc được điều chuyển sang công tác tại lĩnh vực mới, trong khi đó, khối lượng công việc không những không giảm mà còn nhiều việc hơn, đòi hỏi cao hơn.

Ngay hiện tại số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội cũng đã khuyết 27 đồng chí do nghỉ hưu và điều chuyển công tác (trong đó có 4 thường vụ) và còn tiếp tục thiếu khuyết nữa. Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội cũng có nhiều thay đổi.

Theo Điều lệ thì Ban Chấp hành phải kiện toàn kịp thời, nhưng do điều kiện hiện nay, đề nghị Hội nghị thể hiện rõ quan điểm: Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra; trong nhiệm kỳ tới cũng sẽ quyết tâm đổi mới nội dung phương thức hoạt động một cách thực chất để khẳng định vai trò, trách nhiệm của Hội trước Đảng và hội viên nông dân trong kỷ nguyên mới.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn đề nghị Hội nghị thống nhất: Không thực hiện kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Tiếp tục giữ nguyên nhân sự Ủy ban Kiểm tra và hoạt động của Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ cũ.

Trong thời gian tới, một số công việc chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031, nhất là công tác nhân sự rất khẩn trương, để bảo đảm thời gian, Ban Thường vụ Trung ương Hội sẽ thực chỉ định kiện toàn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VIII sau khi có kết quả đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, sau đó tiến hành công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa IX.

Hội nghị hôm nay có nhiệm vụ rất quan trọng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đề nghị các đồng chí phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để Hội nghị thành công tốt đẹp.

Nguồn: Báo Dân Việt