Tổng kết mô hình và trao chứng nhận VietGAP cho Tổ Hợp tác Sản xuất, kinh doanh mãng cầu tại xã Cam Thành Bắc

| |
Vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình và trao chứng nhận VietGAP cho Tổ Hợp tác Sản xuất, kinh doanh mãng cầu tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trương Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Lê Duy Vũ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh; đại diện lãnh đạo các Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện Cam Lâm; lãnh đạo xã Cam Thành Bắc; thành viên Tổ Hợp tác Sản xuất, kinh doanh mãng cầu và hội viên nông dân xã Cam Thành Bắc.
1.jpg (212 KB)
Đ/c Trương Tấn Hùng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Trung tâm báo cáo kết quả quá trình thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ Hợp tác và trao giấy chứng nhận cho Tổ Hợp tác Sản xuất, kinh doanh mãng cầu xã Cam Thành Bắc. Được biết, mô hình này được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kinh phí, giao cho Trung tâm tổ chức, phối hợp thực hiện và đơn vị tư vấn, kiểm định là Trung tâm Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản vùng 3, thuộc Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cấp chứng nhận VietGAP với sự tham gia của 06 hộ là thành viên Tổ Hợp tác, diện tích đăng ký thực hiện mô hình là 3, 2ha, sản lượng dự kiến hàng năm là 48 tấn/2 vụ/năm.
 
2.jpg (402 KB)
Đ/c Trương Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đ/c Lê Duy Vũ – Giám đốc Trung tâm trao Quyết định và Giấy chứng nhận VietGAP cho đại diện THT mãng cầu xã Cam Thành Bắc
 
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao mô hình chứng nhận VietGAP cho cây mãng cầu góp phần thay đổi tập quán, thói quen, hành vi sản xuất của nông dân, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, góp phần làm cho xã hội giảm bớt được chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội; Đánh giá cao các thành viên THT đã tích cực ghi chép sổ sách, quy trình chăm sóc, bón phân, phun thuốc theo đúng hướng dẫn của đơn vị tư vấn và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cách ly theo đúng thời gian quy định… và mong muốn mô hình được nhân rộng không những trong xã Cam Thành Bắc mà còn nhân rộng ra toàn huyện Cam Lâm và nhiều địa phương khác. Thông qua xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng chất chất lượng, uy tín, giá trị sản phẩm nông sản làm ra, tạo đầu ra ổn định, hướng đến thị trường khó tính như: Siêu thị, khách sạn, nhà hàng, … từ đó hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững, tham gia vào chuỗi liên kết giá trị.
Nguyễn Văn Huy