Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hỗ trợ giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

| |

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tăng cường nhiều biện pháp hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, qua đó giúp hàng trăm nghìn lượt hội viên, nông dân vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các cấp Hội Nông dân tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HNDTW, ngày 19/7/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa V) về “Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân”; Nghị quyết số 34-NQ/HNDTW, ngày 26/10/2017 về việc thực hiện 03 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xác định tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội.

z3912920534885_758c4f112b8fded44f50b7fd0ec40fdc.jpg (315 KB)

Tập huấn trên sàn thương mại điện tử tại xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực chủ động tham mưu, phối hợp với với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan ký kết các chương trình, đề án, văn bản thỏa thuận, phối hợp, tạo điều kiện để Hội tham gia thực hiện các chương trình, dự án, tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân theo Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn; Quyết định số 516/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, Hội Nông dân các cấp đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thực sự là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, đời sống, sản xuất của hội viên, nông dân trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân:

- Sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay đang tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, do hậu quả của sự biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, bão lụt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi….

- Vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang là một khó khăn rất lớn cho sản xuất nông nghiệp; điều dễ nhận thấy nhất đó là hiện tượng được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa thường xuyên xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là nông dân chưa gắn kết được chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp của Nhà nước với việc quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất còn chậm và nhiều hạn chế.

- Vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân còn nhiều bất cập trong thực tế; sự liên kết 4 nhà vẫn chưa có tiếng nói chung; điều dễ nhận thấy nhất là: Có rất ít các hợp đồng được ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp và hợp đồng thường bị phá vỡ khi thị trường có những biến động bất lợi cho một trong hai phía. Đa số các doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp vì rủi ro cao.

- Việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm nông nghiệp… còn rất hạn chế. Công tác quản lý, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và ý thức của người nông dân khi tham gia xây dựng thương hiệu còn có những hạn chế nhất định.

Để góp phần hạn chế một trong những khó khăn trên, các cấp Hội cần có một số một số giải pháp thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ giúp hội viên nông dân trong thời gian đến như sau:

Thứ nhất, phải tập trung tuyên truyền vận động để bản thân người nông dân nhận thức được rằng: Con đường tất yếu của các hộ nông dân là liên kết, hợp tác với nhau trong quy trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, phải học tập để nâng cao trình độ khoa học công nghệ, thông tin và trình độ sản xuất.

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND, các mô hình, dự án vay vốn hiệu quả, nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội để hỗ trợ làm tăng trưởng Quỹ đáp ứng nhu cầu vốn cho nông dân. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, tham quan mô hình học tập các tỉnh bạn để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ Hội quản lý Quỹ HTND các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, chỉ đạo điều hành Quỹ HTND đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích; đảm bảo công tác quản lý tài chính Quỹ theo đúng quy định.

Tiếp tục triển khai thực hiện văn bản Thỏa thuận Liên ngành số 01/TTLN-HNDVN-AGRIBANK ngày 23/9/2016 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Agribank Việt Nam và Văn bản Thỏa thuận số 09/TT-HND-AGRIBANK ngày 17/11/2016 giữa Hội Nông dân tỉnh và Agribank chi nhánh tỉnh Khánh Hòa về việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 07/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục triển khai Kế hoạch phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Khánh Hòa tổ chức phát động “Ngày gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, phối hợp với các ngân hàng thương mại… nhằm tạo vốn dồi dào để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Thứ ba, các cấp Hội tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ.

- Tổ chức, triển khai hoạt động ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; Hội đẩy mạnh và kịp thời phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành liên quan tại địa phương tập huấn mã vạch, hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng OCOP, VietGAP; quy chế quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể trên cây trồng, tạo uy tín, chất lượng đầu ra cho nông sản tỉnh nhà, hướng đến xuất khẩu ra ngoài nước.

- Tổ chức các hoạt động xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHHT vào sản xuất, các cấp Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phòng kinh tế các huyện, trạm khuyến nông, khuyến ngư, các chuyên gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp tập huấn, xây dựng các mô hình kỹ thuật trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, kỹ thuật vỗ béo đàn bò, trồng nấm hữu cơ, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, ứng dụng mô hình tưới nước tự động tiết kiệm… cho hội viên, nông dân.

 Thứ tư, hỗ trợ tích cực cho hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

- Tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh Khánh Hòa về việc Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025” năm 2022; theo Kế hoạch số 4607/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp trong việc đưa thông tin sản phẩm, hộ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản lên sàn thương mại điện tử, nhất là những sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chất lượng, có thương hiệu, thúc đẩy đổi mới phương thức bán hàng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

- Phát huy hiệu quả tổ chức Phiên chợ nông sản của tỉnh hằng năm, Phiên chợ nông sản online, giúp nông dân kết nối, hợp tác, liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao vai trò tổ chức Hội trong tham gia thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.

- Đẩy mạnh, tiếp cận kịp thời các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, thông qua đó giới thiệu doanh nghiệp, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX tham gia trưng bày, giới thiệu, triển lãm những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, có thương hiệu, sản phẩm chủ lực của địa phương, qua đó giúp nông dân tiếp cận trong chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản để quảng bá, hỗ trợ đầu ra cho nông dân.

- Tiếp tục phối có hiệu quả với Bảo hiểm PVI Khánh Hòa về triển khai Thỏa thuận hợp tác thực hiện Kế hoạch “Chương trình an sinh xã hội, phúc lợi cho hội viên, nông dân”, cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm cho người vay vốn… cho hội viên, nông dân, mở rộng đại lý PVI tại cơ sở nhằm hỗ trợ cho người nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thứ năm, hằng năm tham mưu tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân, thông qua hội nghị đối thoại giúp cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ hơn về những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời xem xét, giải quyết những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, Hội các cấp tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để triển khai thực Đề án số 03 ĐA/HNDTW, ngày 12/7/2020 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020 - 2025; hằng năm các cấp Hội có kế hoạch, hoạt động cụ thể để hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, quan tâm hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, góp phần làm gia tăng giá trị, chất lượng, ổn định đầu ra cho nông sản.

Thứ bảy, đa dạng hóa hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp dưới nhiều hình thức.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân. Hội Nông dân các cấp tăng cường các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tập trung vào tổ chức cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, giống cho nông dân. Các cấp Hội phối hợp, duy trì, kết nối thường xuyên với các tổ chức, doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu để cung ứng dịch vụ giống, vật tư phục vụ sản xuất cho hội viên nông dân thông qua ký hợp đồng, biên bản ghi nhớ với các hợp tác xã nông nghiệp, đại lý kinh doanh thiết bị, vật tư nông nghiệp bán trả chậm cho nông dân, giúp nông dân yên tâm sản xuất, giảm bớt rủi ro cho hộ sản xuất.

Thứ tám, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân, nhất là liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Thừa kế, Luật Khiếu nại… nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật của bà con, góp phần ổn định sản xuất, giúp tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt; đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.

Thứ chín, nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân cho cán bộ Hội các cấp; tạo cơ chế, chính sách, điều kiện để Trung tâm Hỗ trợ nông dân  và Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

                                                                     Trung tâm HTND và GDNN
Tin tức khác