Để hạn chế bệnh sữa trên tôm hùm
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã chỉ ra, mùa vụ, mật độ lồng nuôi, thời gian cách ly tôm mang mầm bệnh sữa với tôm khỏe mạnh là những yếu tố then chốt giúp kiểm soát bệnh sữa trên tôm hùm nuôi một cách hiệu quả. Cụ thể, sự xuất hiện của bệnh sữa tại Khánh Hòa vào mùa khô (tập trung từ tháng 5 đến tháng 7) cao gấp đôi so với mùa mưa; những khu vực mật độ nuôi cao hơn 60 lồng/ha thì sự xuất hiện của loại bệnh này cũng cao gấp 1,28 lần so với những khu vực mật độ nuôi thấp hơn 60 lồng/ha. Ngoài ra, khả năng lây lan bệnh sữa rất cao, đến 5,11 lần nếu không cách ly kịp thời tôm bệnh ra khỏi đàn tôm khỏe mạnh. Kết quả phân tích mẫu tôm, nước tại vùng nuôi có tôm bị bệnh còn cho thấy lượng vi khuẩn Vibrio vượt ngưỡng cho phép, điều này cho thấy môi trường nuôi cũng tồn tại nhiều tác nhân gây bệnh sữa trên tôm hùm.
Từ nghiên cứu của mình, các nhà khoa học khuyến cáo người nuôi tôm hùm cần chọn vị trí đặt lồng nuôi phù hợp, nằm trong quy hoạch của địa phương; thường xuyên kiểm tra để kìm hãm, tiêu diệt các tác nhân sinh học gây bệnh sữa trên tôm thông qua việc kiểm tra tôm giống trước khi thả nuôi; sát trùng thức ăn, sử dụng các loại thuốc thú y thủy sản trong danh mục được phép lưu hành; để tránh vi khuẩn Vibrio trong môi trường nước xâm nhập vào cơ thể tôm phải tránh làm xây xát tôm. Khi tôm bị bệnh phải tách kịp thời tôm mang mầm bệnh và đàn tôm khỏe mạnh. Trong mùa nắng nóng, cần tăng cường sức đề kháng cho tôm. Những vấn đề cần quan tâm nữa là phải tuân thủ về mật độ, số lượng lồng nuôi theo khuyến cáo; việc mua bán tôm hùm giống, sử dụng thức ăn tươi cần được khử trùng…
Theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khi nuôi tôm hùm việc phòng bệnh rất quan trọng, bởi một khi đã xảy ra dịch bệnh, việc dùng thuốc ít mang lại hiệu quả. Đối với bệnh sữa, muốn phòng bệnh cho tôm, người nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng, trị bệnh tổng hợp, từ khâu chọn vùng nuôi cho đến khi xuất bán. Những vấn đề cần lưu ý là: chọn địa điểm nuôi thích hợp để giảm thiểu rủi ro về thời tiết, môi trường; quản lý tốt nguồn chất thải; theo dõi kỹ sức khỏe, hoạt động của đàn tôm để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Đặc biệt, người nuôi cần chú ý việc tiêu diệt và kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh sữa trên tôm. Trong quá trình nuôi, cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi, các chương trình phòng, chống dịch bệnh được triển khai.
Nguồn: Báo Khánh Hòa
- [13/05/2024] Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh trên tôm hùm
- [20/06/2023] Các biện pháp ứng phó bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
- [25/05/2022] Khuyến khích luân canh cây trồng cạn trên đất lúa
- [21/03/2022] Xuất hiện bệnh khảm lá sắn trên diện rộng
- [10/03/2022] Hội Nông dân phường Ba Ngòi tăng cường tuyên truyền “Mạng xã hội - Facebook và những tác hại đối với người nông dân”
- [06/03/2018] Quy định tạm thời vùng nuôi thủy sản trên biển: Đảm bảo cho phát triển và quản lý
- [28/02/2018] Hướng tới sử dụng nước sạch theo quy chuẩn
- [09/03/2017] Điều kiện công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới
- [02/03/2017] Cần ngăn chặn dịch cúm gia cầm
- [20/02/2017] Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2017