Vườn cây tiền tỷ ra la liệt trái to bự của Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Khánh Hòa, lãi hơn 13 tỷ/năm
Tỷ phú ăn nên làm ra từ cây sầu riêng
Người mà chúng tôi đang nhắc đến là ông Nguyễn Ngọc Tháo (sinh năm 1964, thôn Chi Chay, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), đây là tấm gương tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.
Dẫn chúng tôi đi quanh mảnh vườn sầu riêng trồng trên vườn đồi núi cao, ông Tháo cho biết, để có cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình cảm ơn chính quyền địa phương, các cấp Hội nông dân, bạn bè và những người thân đã giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Tháo, tỷ phú trồng sầu riêng ở thôn Chi Chay, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) được bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024. Ảnh: Công Tâm
Vừa rót nước trà mời khách, ông Tháo cho biết thêm, ông sinh ra ở vùng đất Nam Định, do kinh tế ở địa phương khó khăn gia đình phải lặn lội vào vùng đất kinh tế mới ở Lâm Đồng để mưu sinh. Nhận thấy nơi đây không phù hợp, ông cùng bạn bè đến vùng đất huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) để tham quan, tìm kiếm đất và các mô hình để làm ăn.
Ông Tháo kể, giai đoạn đó các bạn bè ông sau khi tham quan ở đây đều rời vùng đất này nguyên nhân do vùng đất đồi dốc, nghèo chất dinh dưỡng và chỉ có một mình ông bám trụ lại vùng đất miền núi Khánh Sơn.
Nhờ làm sầu riêng mà gia đình ông Nguyễn Ngọc Tháo, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho thu nhập tiền tỷ. Ảnh: Công Tâm
Sau nhiều ngày châm bẩm trên vùng đồi nắng cháy rát da, ông Tháo đã trồng những cây sầu riêng và cây cà phê, từ vài trăm cây ban đầu đến nay gia đình ông đã trồng hàng ngàn cây sầu riêng và chính cây này đã giúp cho gia đình ông có cuộc sống khấm khá.
Hàng chục năm bám trụ với cây đặc sản sầu riêng Khánh Sơn
Nhớ lại những ngày đầu làm cây sầu riêng, ông Tháo cho hay, cây sầu riêng khó cũng không khó mà dễ cũng không dễ. Những ngày đầu gia đình trồng 400 cây sầu riêng, thì một số cây bị chết hoặc cây bị bệnh xì mủ trên cây sầu riêng. Có những đợt khi vườn sầu riêng đang giai đoạn ra hoa thì bị rụng gần như hết.
Gia đình ông Tháo chuẩn bị phân bón để bón cho cây trồng. Ảnh: Công Tâm
Sau thời gian tìm hiểu những người trồng sầu riêng trước, đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình làm nhiều năm nên dần dần ông khắc phục được những tồn tại, hạn chế trên. Từ đó những vườn sầu riêng của gia đình ông gặp thắng lợi và hiện ông chỉ trồng duy nhất giống sầu riêng Dola.
Những vụ đầu tiên gia đình ông thu hoạch chỉ bán với giá 20.000 đồng/kg thu hoạch khoảng 15 tấn, đến năm 2017 sản lượng sầu riêng gia đình ông xuất bán được 70 tấn với giá 35.000 đồng/kg, năm 2022 gia đình ông thu hoạch đạt 120 tấn và năm 2023 đạt 150 tấn. Năm nay được xem làm năm ông làm đạt nhất và giá bán ra thị trường cũng cao hơn so với mọi năm.
Những vườn cây sầu riêng giống để chuẩn bị trồng trên mảnh đất huyện Khánh Sơn. Ảnh: Công Tâm
Với diện tích 14ha, năm nay gia đình ông thu hoạch trên 200 tấn sầu riêng, giá bán trên 82.000 đồng/kg, doanh thu 16 tỷ đồng, trừ chi phí lãi trên 13,5 tỷ đồng. Các năm trước gia đình ông chỉ lãi khoảng 10 tỷ đồng, riêng năm nay thu nhập cao nên gia đình ông rất mừng.
Ông Tháo được các cấp tặng bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: Công Tâm
Trong vườn của ông hiện đã lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phục vụ cho cây trồng, nhất là vào những dịp nắng nóng. Vườn sầu riêng của ông hiện nay nhìn rất mát mắt, trái to bự, đều và màu sắc rất đẹp. Những sản phẩm sầu riêng của gia đình ông được áp dụng sản xuất VietGAP, sầu riêng của ông hiện đã có nhiều khách hàng biết đến.
Theo ông Tháo, cây sầu riêng có thể làm chính vụ và trái vụ, nhưng gia đình ông chỉ làm chính vụ, bởi trái vụ chi phí đầu tư cao và tốn rất nhiều nhân công. Nhờ cách làm bài bản của ông mà những bạn bè ngày xưa đã quay trở lại vùng đất này cùng niềm đam mê trồng sầu riêng.
Mảnh vườn sầu riêng tươi tốt cho thu nhập cao của gia đình ông Tháo. Ảnh: Công Tâm
Chỉ tay ra khu vực ngày xưa ông lên đây lập nghiệp, ông chia sẻ, ngày đó thật sự khó khăn trăm bề, không có điện gia đình phải dùng máy nổ để làm và đường giao thông lúc đó còn nhỏ hẹp vận chuyển khó khăn, bây giờ thì ổn định hơn nhiều.
Sau thời gian tích góp vốn đến nay, ông Tháo đã mua thêm 10 ha đất để trồng sầu riêng đến nay ông có tổng cộng 24ha đất trồng sầu riêng. Những cây sầu riêng vừa mới trồng của gia đình ông hiện đang phát triển rất mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Tháo chia sẻ giai đoạn vừa đến đất huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) để lập nghiệp. Ảnh: Công Tâm
Với mô hình trồng sầu riêng trên vườn đồi gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho 20 lao động có thu nhập ổn định. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ cho các lao động, các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, ông còn hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường phục vụ dân sinh.
Nói về bí quyết thành công, ông Tháo cho rằng, cái chính là cần cù, chăm chỉ chịu khó học tập kinh nghiệm, nắm bắt được nhu cầu của thị trường và hiện nay ông đã có kinh nghiệm trong quá trình xử lý cho ra hoa đây là một trong những yếu tố giúp ông mang lại thành công.
Những quả sầu riêng của gia đình ông Tháo đang thu hoạch. Ảnh: Công Tâm
Với những kết quả đạt được, ông Nguyễn Ngọc Tháo được Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 và Hội Nông dân huyện Khánh Sơn cũng tặng giấy khen cho cá nhân ông.
Huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) là địa phương rất nổi tiếng với đặc sản sầu riêng. Ảnh: Công Tâm
Ông Lương Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, ông Tháo là một hội viên nông dân tiêu biểu của địa phương trong phát triển các mô hình kinh tế của địa phương. Không những chịu khó sản xuất mà ông còn giúp cho các hộ nghèo, khó khăn có công ăn việc làm. Đồng thời, hỗ trợ cây giống, phân bón cho các hộ thiếu vốn sản xuất và đóng góp hiến đất để địa phương mở rộng đường nông thôn. Bản thân ông Tháo đóng góp rất nhiều trong các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Nguồn: danviet.vn
- [19/09/2024] Hội viên nông dân ở Khánh Hòa giữ nghề truyền thống làm quạt lá
- [19/09/2024] Làm giàu trên vùng đất Khánh Sơn
- [16/09/2024] Một nông dân vượt khó vươn lên
- [12/09/2024] Khi drone nông nghiệp cất cánh
- [09/09/2024] Sầu riêng Thành Hưng: Món quà chất lượng
- [12/08/2024] Thoát nghèo từ nuôi dê
- [06/05/2024] 6 năm cải tạo đất cằn, vườn dừa hữu cơ đã xanh mướt
- [25/03/2024] Hợp tác xã nuôi tôm thẻ chân trắng với tỷ lệ thành công đạt 80%
- [11/03/2024] Một nông dân Raglai nỗ lực thoát nghèo
- [01/03/2024] Nuôi cá đặc sản, đớp mồi nhảy rào rào, anh nông dân Khánh Hòa bán 150.000-200.000 đồng/kg