Nuôi dê, nuôi bò sinh sản, trồng bưởi đặc sản là 3 mô hình thoát nghèo, làm giàu ở một xã miền núi tỉnh Khánh Hòa

| |
Thời gian qua, tại xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, đời sống người dân tăng cao góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương.
Xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có 884 hộ, với 3.971 nhân khẩu thuộc 4 thôn, trong đó người kinh 91 hộ với 265 nhân khẩu, người đồng bào dân tộc thiểu số 755 hộ với 3.272 nhân khẩu.
 
mo-hinh-nuoi-de-hieu-qua-xa-khanh-phu-anh-chi-trung-0949.jpg (199 KB)
Mô hình hỗ trợ người nghèo nuôi dê ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) giúp dân thoát nghèo. Ảnh: Chí Trung

Ông Cao Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết, trước đây người dân trong xã chủ yếu bám vào nương rẫy, trồng bắp, mì, đậu, mía nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn xã đã tạo những tiền đề quan trọng cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Ông Trọng cho biết thêm, để giúp người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với thổ nhưỡng, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn, UBND xã đã ban hành kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã năm 2023. Đến nay, đã có hàng chục hộ tham gia với tổng diện tích chuyển đổi hơn 10ha đất trồng cây lâu năm sang trồng sầu riêng, quýt, mít, dừa xiêm, bơ, xoài, cam, bưởi da xanh,...

trong-buoi-xa-khanh-phu-anh-vinh-thanh-0958.jpg (98 KB)

Một vườn bưởi VietGAP tại xã Khánh Phú đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”. Ảnh: Vĩnh Thành

 

Đại diện lãnh đạo UBND xã Khánh Phú chia sẻ, điểm đáng mừng là tinh thần tự lực, tự cường của bà con ngày càng được nâng cao. Thay vì trông chờ vào hỗ trợ, nhiều hộ đã chủ động đăng ký tham gia các mô hình phát triển kinh tế như trồng rau sạch, nuôi dê, nuôi bò sinh sản, trồng cây ăn quả… và đạt kết quả rất tích cực.

Chị Cao Thị Lan (sn 1995, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: "Kể từ khi lập gia đình kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, không có vốn sản xuất, hàng ngày phải làm thuê kiếm sống. Nhiều năm trời gia đình mơ ước có bò nuôi để phát triển kinh tế, cứ thấy những hộ dân nuôi bò gia đình thích lắm.

Gia đình tôi may mắn được các cấp quan tâm hỗ trợ 2 con bò, với sự cần cù chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Đến nay, bò trong chuồng đã phát triển tốt và đã cho ra đời thêm một con. Đây là niềm vui to lớn của gia đình tôi, gia đình sẽ tiếp tục chăm sóc để nhân rộng đàn bò".

xa-khanh-phu-1-1015.webp (210 KB)
Những sản phẩm nông sản chất lượng ở xã Khánh Phú được giới thiệu cho người tiêu dùng
 
 
Tương tự, vườn bưởi VietGAP của ông Đặng Thái Luyện (xã Khánh Phú) có hơn 2.400 gốc bưởi hơn 7 năm tuổi (6ha) của gia đình ông đang ở độ sung sức. Nhờ thời tiết thuận lợi, cây cho trái đều, cộng với việc canh tác theo mô hình VietGAP nên bưởi da xanh của ông được nhiều người biết đến.
 
xa-khanh-phu-4-1029.webp (226 KB)
Mô hình nuôi bò sinh sản giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
 

Theo chính quyền địa phương, nơi đây còn là địa chỉ cho nhiều đoàn tham quan, học tập, chia sẻ mô hình sản xuất. Ông Luyện nhờ sản xuất theo hướng VietGAP, cùng với việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” nên khi nông sản đến tay người tiêu dùng, các siêu thị, hay các điểm tiêu thụ trực tiếp đều có đầy đủ thông tin và truy xuất được nguồn gốc. Từ đó được tin tưởng về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm, việc tiêu thụ dễ dàng hơn và giá thành cao hơn các loại bưởi trồng theo cách truyền thống.

Bà Cao Thị Huỳnh Như - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Phú cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở địa phương được triển khai có hiệu quả. Mô hình hỗ trợ sinh kế chăn nuôi bò sinh sản đang được bà con trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

Bà Cao Thị Huỳnh Như cho hay, địa phương đã phối hợp với các đơn vị trao 3 đợt 246 con bò với 115 hộ và đến nay bò đã sinh sản được 31 con. Từ mô hình này bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và họ rất yên tâm. Về phía địa phương luôn theo dõi, giám sát hướng dẫn quy trình chăm sóc, kỹ thuật làm chuồng trại và khuyến khích người dân trồng cây cỏ có nhiều chất dinh dưỡng phục vụ cho đàn bò.

xa-khanh-phu-3-1038.webp (271 KB)
Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh đang phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân trên địa bàn
 

Theo bà Như, địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Raglai, Tày, T’rin,...những con bò trên điều bàn giao cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Nhận thấy bà con nuôi ổn định, sinh sản tốt địa phương rất phấn khởi và các hộ hưởng thụ từ chương trình này đang nhận thấy rất thiết thực.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Khánh Phú cho biết thêm, để mở rộng phát triển kinh tế tạo việc làm ở vùng nông thôn, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và quỹ hỗ trợ nông dân. Riêng trong năm 2024, trên địa bàn xã đã có 47 hộ thoát nghèo với 209 nhân khẩu và 102 hộ thoát cận nghèo. Ngoài ra, có rất nhiều cá nhân từ hộ khó khăn đến nay đã làm giàu tiêu biểu như: Hà Thông trồng bưởi da xanh và chăn nuôi bò sinh sản, Mấu Văn Đức trồng bưởi, Cao Xuân Diện,...

Nguồn: danviet.vn