Nông dân huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa thoát nghèo nhờ trồng sầu riêng
Gia đình anh Cao Hồng Toàn, 40 tuổi, người dân tộc Raglai ở tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp chia sẻ, trước đây, gia đình anh thuộc diện nghèo khó của địa phương, do khi lập gia đình xong, không có vốn và chưa có kinh nghiệm làm ăn nên nguồn thu nhập chỉ dựa vào làm thuê là chính. Vào thời điểm từ năm 2010-2015, gia đình anh cũng có vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH ở địa phương 50 triệu đồng để trồng cà phê, tiêu.
Nhưng giá cả cà phê bấp bênh, lúc đó chỉ 20.000 đồng/kg nên nguồn thu không đáng kể. Rồi gia đình cũng chuyển sang nuôi bò một thời gian, đàn bò nhà anh Toàn lúc đó cũng lên đến 12 con. Nhưng một thời gian, đất đai trong vùng đều được canh tác sản xuất, không có đất trống nên thiếu nguồn thức ăn (cỏ) cho bò. Bên cạnh đó, giá bò thịt cũng thấp nên việc chăn nuôi bò của gia đình cũng không mang lại nguồn thu nhập ổn đinh, cái nghèo vẫn đeo đuổi mãi gia đình anh Toàn.
Đến khi huyện Khánh Sơn chuyển đổi cây trồng sang trồng sầu riêng và tạo được thương hiệu "Sầu riêng Khánh Sơn - cơm vàng, hạt lép", nhiều hộ dân trong vùng từ nghèo khó đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn thu nhập cây sầu riêng. Những hộ dân trồng sầu riêng thu nhập cao là minh chứng cho ý chí biết khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo của nông dân trong vùng, đặc biệt là đông đảo các gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện miền núi Khánh Sơn.
Ban đầu không có vốn, anh Toàn được Tổ tiết kiệm vay vốn ở địa phương tư vấn, hỗ trợ về thủ tục vay vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, anh vay 100 triệu đồng đầu tư trồng sầu riêng, diện hộ cận nghèo. Có vốn rồi, anh tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây sầu riêng do Hội Nông dân đại phương tổ chức. Bên cạnh đó, anh không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng sầu riêng hiệu quả theo chương trình VietGAP, nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.

Đến nay, gia đình anh Toàn đã có 5 sào sầu riêng (5.000m2), gồm 100 cây sầu riêng cho thu hoạch được 2 vụ. Anh Toàn kể, vụ đầu mới thu bói nên sản lượng chưa nhiều, khoảng 2 tấn, giá lúc đó 60.000 đồng/kg, được 120 triệu đồng. Sang vụ thứ hai mới thu hoạch trong tháng 7 và 8 vừa rồi, vườn sầu riêng của anh thu được 6 tấn, giá 70.000 đồng/kg, được 420 triệu đồng. Nếu tính chi phí đầu tư tiền phân, thuốc trừ sâu, công thuê cắt cỏ khoảng 50% thì cũng lãi khoảng 210 triệu đồng.
Có được nguồn vốn tích lũy, gia đình anh Toàn đang xây dựng nhà mới, khoảng 100m2, khoảng 400 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập cao nhờ trồng sầu riêng, gia đình anh Toàn đã thoát khỏi hộ nghèo. Hai đứa con của anh Toàn được ăn học đàng hoàng. Một đứa con giá lớn nay đã 22 tuổi, học xong cao đẳng du lịch, nay đã làm việc tại một doánh nghiệp ở đại phương (xã Ba Cụm Bắc) với mức lương 7 triệu đồng/tháng, đứa thứ hai đang học lớp 10.
Nói về hướng làm ăn phát triển phía trước, anh Toàn chia sẻ, gia đình còn khoảng 3 sào đất trống, sắp đến anh sẽ trồng kín sầu riêng ở đây. Vụ sầu riêng sang năm thứ ba hy vọng cho năng suất cao hơn nữa vì đã đi vào vụ chính. Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Cao Hồng Toàn như một bức tranh tươi sáng về con đường thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả từ cây trồng sầu riêng ở huyện miền núi Khánh Sơn, một hướng đi đúng từ chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Raglay nơi đây.
Không chỉ lợi thế về cây trồng sầu riêng, ý chí vươn lên của người nông dân nới đây, mà còn có sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước, là Ngân hàng CSXH, như là bà đỡ của nông dân, giúp nông dân có vốn sản xuất với lãi suất tín dụng ưu đãi.
Tổ trưởng Tổ Dân phố Hạp Thịnh, Bo Bo Khá phấn khởi nói, hiện nay nhờ cây sầu riêng mà đời sống người dân, nhất là bà con đồng bào ấm no hơn. Trước đây, người dân tộc thiểu số ở huyện chỉ biết trồng mía, cà phê. Nay, bà con trồng sầu riêng, thu nhập cao hơn nên hiện cùng nhau phát triển diện tích. Ông Khá cũng cho biết, gia đình ông hiện phát triển sầu riêng lên đến 2ha, trong đó 120 cây đang trong thời kỳ kinh doanh. “Mình là tổ trưởng nên phải làm gương cho bà con trong vùng, biết cách làm ăn, phải siêng năng không rượu chè bê tha mới nói bà con nghe được”, Bo Bo Khá chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận huyện Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo. Để đảm bảo huyện Khánh Sơn tiếp tục phát triển ổn định, không quay lại tình trạng khó khăn, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi tư duy sản xuất, nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp phát triển kinh tế gắn với lợi thế của từng địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người dân; đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ bản, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội; thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá và điều chỉnh chính sách.

Mới đây, khi đến thăm các mô hình sản xuất hiệu quả, giúp thoát nghèo bền vững của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở huyện Khánh Sơn, ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đã bày tỏ niềm vui khi nghe về cách thức làm ăn, thu nhập, chất lượng cuộc sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao.
Ông Nguyễn Khắc Toàn đã biểu dương các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vượt qua tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đã cần cù lao động, ham học hỏi và nỗ lực vươn lên, tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Các địa phương ở huyện Khánh Sơn cần phải tiếp tục sát sao, quan tâm hơn đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; phải khơi dậy được ý chí vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để cùng với các chính sách hỗ trợ được Trung ương, tỉnh triển khai, các hộ sẽ thoát nghèo bền vững. Bằng kinh nghiệm của mình, hộ khá giả quan tâm, giúp đỡ thêm đối với các hộ nghèo trong thôn, trong xã để cùng vươn lên, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, ông Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh.
Theo Báo Dân trí
- [18/06/2025] Bỏ phố biển về “ăn ngủ với núi rừng”, anh nông dân Khánh Hòa biến đất hoang thành trang trại tiền tỷ
- [10/06/2025] Một xã nông thôn mới nâng cao ở Khánh Hòa có nhà giàu lên từ nghề trồng táo to bự
- [19/05/2025] Nuôi bò sinh sản con nào cũng khỏe, trồng cây ăn quả vườn nào cũng đẹp, dân một xã ở Khánh Hòa thoát nghèo, vươn lên khá giả
- [15/05/2025] Khánh Hòa: Có vốn đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nông dân Cam Lâm yên tâm mở rộng mô hình trồng cây ăn quả
- [17/04/2025] Nông dân miền núi Khánh Vĩnh của Khánh Hòa vươn lên nhờ được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc cây bưởi da xanh
- [16/04/2025] Nuôi dê, nuôi bò sinh sản, trồng bưởi đặc sản là 3 mô hình thoát nghèo, làm giàu ở một xã miền núi tỉnh Khánh Hòa
- [15/04/2025] Trưởng thôn trẻ năng động