Một xã nông thôn mới nâng cao ở Khánh Hòa có nhà giàu lên từ nghề trồng táo to bự

Chị Hồ Thị Tuyết Mai (thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi gắn bó với nghề trồng táo hơn 20 năm nay, chính nhờ cây táo mà gia đình tôi có cuộc sống khấm khá nhiều so với trước. Trung bình với diện tích 5 sào táo, bình quân mỗi năm mang lại doanh thu 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng”.
Chị Hồ Thị Tuyết Mai cho biết thêm, không những chị mà anh em trong gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề trồng táo. Gia đình chị cũng tiên phong áp dụng sử dụng hệ thống lưới để che chắn vườn táo giúp hạn chế được ruồi đục quả, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và đảm bảo sức khỏe của gia đình.
Theo tìm hiểu của PV, trước đây bà con trên địa bàn xã Cam Thành Nam trồng táo chủ yếu làm theo phương pháp truyền thống dẫn đến hiệu quả không cao. Hiện nay, nhiều hộ dân áp dụng lưới che nên đời sống đã phần nào thay đổi, nhiều hộ có cuộc sống khấm khá nuôi con cái ăn học như: Hồ Tấn Cường, Đoàn Thị Lệ Thủy, Hồ Thị Tuyết Mai, Trần Thị Phương,...
Bà Võ Thị Bích Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam cho biết, kể từ khi chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cây mãng cầu, dừa xiêm và cây táo được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương. Cây táo ở địa phương giúp cho người dân thu nhập tăng lên đáng kể so với trước đây góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới.


Bà Thảo chia sẻ, năm 2014 xã vinh dự được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2024 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cam Thành Nam là xã thuần nông chiếm 85% chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, mức thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt trên 61 triệu đồng/người/năm vào năm 2024. Hiện nay, hệ thống điện đường trường trạm cơ bản được đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ của nhân dân.
Do đó, năng suất và chất lượng tăng khoảng 15 - 20% so với cách sản xuất truyền thống. Trung bình 1 ha táo trồng theo VietGAP, có nhà lưới bài bản, sau 2 - 3 năm, nông dân có thể thu về hơn 500 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng/năm.
Theo ông Hồ Tấn Cường, cây táo được nông dân địa phương trồng từ năm 2004. Giai đoạn 2007 - 2008 là thời kỳ cây táo phát triển và cho giá trị kinh tế cao đối với nông dân ở đây, vì vậy, diện tích trồng táo được mở rộng. Không chỉ người dân ở địa phương trồng mà còn có nhiều người ở nơi khác cũng vào xã Cam Thành Nam để thuê đất trồng táo.
Cây Táo đã trở thành loại cây nổi bật, đặc trưng của xã Cam Thành Nam, giúp cho người dân nơi đây có thêm thu nhập, cải thiện đời sống về vật chất và tinh thần.

- [18/06/2025] Bỏ phố biển về “ăn ngủ với núi rừng”, anh nông dân Khánh Hòa biến đất hoang thành trang trại tiền tỷ
- [28/05/2025] Nông dân huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa thoát nghèo nhờ trồng sầu riêng
- [19/05/2025] Nuôi bò sinh sản con nào cũng khỏe, trồng cây ăn quả vườn nào cũng đẹp, dân một xã ở Khánh Hòa thoát nghèo, vươn lên khá giả
- [15/05/2025] Khánh Hòa: Có vốn đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nông dân Cam Lâm yên tâm mở rộng mô hình trồng cây ăn quả
- [17/04/2025] Nông dân miền núi Khánh Vĩnh của Khánh Hòa vươn lên nhờ được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc cây bưởi da xanh
- [16/04/2025] Nuôi dê, nuôi bò sinh sản, trồng bưởi đặc sản là 3 mô hình thoát nghèo, làm giàu ở một xã miền núi tỉnh Khánh Hòa