Một nông dân ở Khánh Hòa đam mê sáng chế máy nông nghiệp mà "chống chọi" được bệnh ung thư

| |
“Mang căn bệnh nặng trong mình, nhưng lúc nào cũng để tâm nghiên cứu các loại máy móc phục vụ cho người dân và đây chính là niềm đam mê của tôi” – ông Trần Đức Mạnh (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) cho hay.

Căn bệnh "quái ác" đeo bám trong mình gần 10 năm qua

Trải qua hơn 10 lần xạ trị với căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối, nhưng lúc nào ông Trần Đức Mạnh, 53 tuổi, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa cũng vẫn đam mê sáng tạo máy móc từ những đồ phế liệu cũ để phục vụ người dân.

Chỉ tay vào một đống giấy tờ đi từ bệnh viện cấp tỉnh đến bệnh viện TP.HCM để chữa trị căn bệnh quái ác cùng với các bịch thuốc uống điều trị bệnh ung thư, ông Mạnh cho hay, nhờ vào đầu óc sáng chế, nghiên cứu, tìm tòi mà quên đi căn bệnh của mình, sức khỏe nhờ đó cũng được cải thiện.

base64-172163829855772093045.webp (460 KB)

Ông Trần Đức Mạnh xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa luôn đam mê sáng chế máy móc phục vụ nông dân. Ảnh: Công Tâm

Giai đoạn năm 2014- 2015, ông Mạnh đi khám và được bác sĩ thông báo mình bị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối, cùng lắm chỉ sống được khoảng... 3 tháng. Nghe tin, đất trời như sụp đổ dưới chân, từ một người khỏe mạnh, ông Mạnh chỉ còn khoảng 37 – 38kg. 
 
base64-17216382986261565793925.webp (354 KB)
Máy sáng chế tạo cuộn rơm và tận thu gốc rạ đoạt giải tại Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ VII. Ảnh: Công Tâm
 
Cũng trong giai đoạn này, ông dành dụm số tiền trước đó để thu mua các loại phế liệu trên địa bàn để tạo ra các loại máy móc mà ông đã ấp ủ bấy lâu nay. Căn bệnh cứ hành hạ liên tục, ông nằm nghĩ mình là lao động chính trong gia đình, còn con thì nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi học, nếu không lao động thì lấy gì mưu sinh.
 
base64-17216382986351287133188.webp (272 KB)
Máy cuộn rơm của ông Mạnh được vận hành trên cánh đồng. Ảnh: Công Tâm
 
Trong lúc buồn rầu, ông Mạnh đi dạo quanh cánh đồng ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) nhìn thấy bà con thu hoạch lúa trên đồng, rơm rạ đem đốt gây lãng phí. 
 
Trong khi đó, các tỉnh Ninh Thuận lại thiếu nguồn thức ăn này cho đàn bò, dê, tỉnh Bình Thuận thiếu rơm để trồng cây thanh long. Từ đó, ông đã nảy sinh ý tưởng làm máy cuộn rơm.

Nhiều đêm liền không ngủ được bởi trong đầu ông nung nấu ý tưởng thiết kế và sản xuất máy cuộn rơm với tiêu chí giá rẻ, chi phí vận hành thấp để giải phóng sức người cho bà con.

Lão nông Khánh Hòa ấp ủ sáng chế máy thu gom lúa

Ông Trần Đức Mạnh chia sẻ, những năm qua ông chế tạo 4 chiếc máy cuộn rơm có hệ thống băng chuyền, 1 chiếc máy ép lon phế liệu, những chiếc máy trên sau khi vận hành rất thiết thực cho người dân.

base64-1721638298721970831006.webp (739 KB)
Những cuộn rơm sau khi cuốn ông Mạnh đem chất lại. Ảnh: Công Tâm
 

Hiện tại, ông Mạnh đang nghiên cứu, tìm tòi sắt, thép và máy móc để tạo ra chiếc máy thu gom lúa và dự kiến tháng 8 năm nay sẽ trình làng chiếc máy này cho bà con. "Tôi sẽ sáng chế đến khi nào ngừng thở", ông Mạnh khẳng định.

Nói về cái duyên gắn bó với nghề chế tạo máy móc, ông Mạnh bộc bạch, bản thân không học qua trường lớp cơ khí chế tạo nào, chỉ đi theo các đội kỹ thuật xe rồi học dần thành quen. 

Ngay từ đầu làm chiếc máy cuộn rơm, nhiều người bảo đây là ý tưởng điên rồ nhưng ông đã chứng minh được hiệu quả. Từ đó, mọi người gọi ông là "nhà sáng chế nông dân".

Chiếc máy đầu tiên đưa xuống ruộng thu gom rơm khiến nhiều người ngỡ ngàng, máy vận hành gọn nhẹ, chạy êm ru. Công suất làm việc của máy tương đương với 30 công lao động trong 8 giờ so với trước đây.

base64-1721638298799689023379.webp (501 KB)

Ông Mạnh nhà sáng chế nông dân. Ảnh: Công Tâm

Tiếp nối thành công, ông Mạnh tiếp tục chế tạo máy ép lon phế liệu đa năng, biến các vỏ lon, đồ nhựa và giấy thành những khối nhỏ rắn chắc, không cần cột dây để dễ vận chuyển đường dài.
 
Máy ép lon gồm 2 ống thủy lực đứng, 1 ống thủy lực ngang, một dàn khung sắt cùng một mô tơ điện, chỉ cần hai công nhân, một người đổ phế liệu vào khung và một người vận hành.
 
Những phế liệu to lớn cồng kềnh khi đổ hết vào máy sẽ biến thành những khối nhỏ gọn, kết dính rất rắn chắc. Mỗi lần thao tác chỉ khoảng 30 giây, cho ra những khối thành phẩm nặng khoảng 20 - 50 kg tùy theo loại nhôm, sắt.
 
Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Diên Khánh, bản thân ông Mạnh xuất thân từ người nông dân, nên ông thấu hiểu sự thiếu thốn, vất vả của bà con trong lao động nên rất muốn sáng chế phục vụ nhà nông. Những sáng chế của ông Mạnh luôn đạt giải cao ở các cấp và ông đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh. 
 
base64-1721638298857886279890.webp (453 KB)
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen cho ông Trần Đức Mạnh. Ảnh: Công Tâm
 
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa, tuy là nông dân chỉ học qua THPT nhưng ông Mạnh đã sáng chế nhiều loại máy móc có giá trị thực tiễn cao. Gần đây, ông Mạnh đã chế tạo thành công máy cuộn rơm, thông tin được công bố tại hội thảo giao lưu kỷ niệm ngày khoa học và công nghệ Việt Nam lần thứ 3 tại Nha Trang. Đề tài này được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa phối hợp thực hiện đề tài cấp tỉnh vào năm 2017.
Nguồn: danviet.vn