Một chi Hội trưởng nông dân người Raglai ở Khánh Hòa được Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng
Anh Cao Niếng, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bầu Sang, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là 1 trong những điển hình được khen thưởng tại Hội nghị toàn quốc biểu dương hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2019 – 2024 do Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hội trường lớn trụ sở Bộ Công an chiều ngày 8/11 vừa qua.
Chia sẻ tại Hội nghị, anh Cao Niếng cho biết: Trên địa bàn thôn Bầu Sang hiện có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động là Phật giáo, Công giáo và Tin lành; hội viên nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số là 250 người.
Anh Cao Niếng, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bầu Sang, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị toàn quốc biểu dương hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2019 - 2024 do Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Ảnh: Phạm Hưng
Năm 2012, anh Cao Niếng được hội viên nông dân thôn Bầu Sang tín nhiệm bầu làm Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân. Lúc này, công tác Hội còn gặp nhiều khó khăn do đa phần hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, số hội viên nghèo chiếm tỷ lệ cao, số lượng hội viên tham gia vào tổ chức Hội còn thấp. Do vậy, công tác tuyên truyền vận động nông dân gặp nhiều khó khăn.
Với vai trò là Chi Hội trưởng, anh Cao Niếng đã dành nhiều thời gian đến từng hộ trò chuyện, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân. Đặc biệt, anh thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền nông dân hiểu và chấp hành.
"Bản thân là Chi Hội trưởng, tôi luôn bám sát kế hoạch chỉ đạo của các cấp Hội, Đảng ủy, Chi bộ thôn thường xuyên tuyên truyền về công tác tín ngưỡng, tôn giáo đến hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, đồng bào tín đồ công giáo tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do địa phương phát động; tuân thủ tôn chỉ, mục đích, giáo lý, giáo luật của tổ chức tôn giáo đề ra; đoàn kết với tín đồ và cộng đồng dân cư tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội"- Chi hội trưởng nông dân Cao Niếng nói.
Các đại biểu giao lưu tại Hội nghị toàn quốc biểu dương hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2019 – 2024 do Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hội trường lớn trụ sở Bộ Công an chiều ngày 8/11 vừa qua. Ảnh: Phạm Hưng
Bên cạnh đó, anh Cao Niếng còn thường xuyên vận động đồng bào các tôn giáo áp dụng, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống...
Do đó, ở địa phương đồng bào Công giáo đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi heo đen, chăn nuôi bò sinh sản, mô hình trồng mì cao sản. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Đồng bào dân tộc thiểu số chung tay xây dựng nông thôn mới"... được triển khai trong các tôn giáo và đồng bào tín đồ công giáo luôn được gắn với việc thực hiện đường hướng hành đạo "Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào"; "Người công giáo tốt phải là người công dân tốt".... Đồng bào công giáo luôn nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng cuộc sống "Tốt đời - Đẹp đạo", tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, tham gia xây dựng nông thôn mới.
"Thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp, giáo dục con em trong gia đình không mắc các tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, tụ tập đua xe trái phép; không học và truyền đạo trái phép; tích cực phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, nhiều năm qua trên địa bàn thôn không xảy ra các tệ nạn xã hội, tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định"- anh Cao Niếng nói.
Anh Cao Niếng, Chi Hội trưởng thôn Bầu Sang (người bên trái áo đen) hướng dẫn hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đặng Thanh Sương- Hội ND Khánh Hòa
Không chỉ là chi hội trưởng nông dân gương mẫu, anh Cao Niếng còn là một trong những hộ đầu tiên trong xã đã đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, anh đã chuyển đổi 7 ha trồng cây keo, 2 ha trồng cây mì cao sản, 1 ha trồng lúa rẫy; chăn nuôi 5 con bò và 2 con heo đen nái. Mỗi năm, anh Cao Niếng có thu nhập sau khi trừ chi phí đầu ra còn lãi hơn trên 200 triệu đồng. Trong những năm qua, mô hình sản xuất của gia đình anh luôn là điểm để bà con trong thôn, trong xã chia sẻ kinh nghiệm học tập để làm theo.
"Bản thân luôn tâm niệm rằng giữ gìn tốt an ninh trật tự tại địa phương chính là giữ gìn hạnh phúc cho mỗi gia đình của hội viên nông dân. Bởi vì đây là môi trường bình yên tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững của địa phương"- anh Cao Niếng bộc bạch.
- [05/12/2024] Khánh Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong giảm nghèo
- [04/12/2024] Người trưởng thôn sâu sát với nhân dân
- [28/10/2024] Gia đình nông dân cần cù, vượt khó thoát nghèo
- [25/10/2024] Trồng "cây tiền tỷ" công nghệ sinh học là trồng kiểu gì mà một ông nông dân Khánh Hòa lãi 600 triệu
- [08/10/2024] Thứ nước đặc sệt bổ dưỡng lấy từ núi rừng Khánh Hòa được một phụ nữ bán khắp nơi
- [03/10/2024] Người ta đang đến nhà một ông nông dân ở Khánh Hòa ăn tôm hùm, mực tươi, ngắm biển xanh, cát trắng
- [02/10/2024] Trang trại Sản Việt: Vùng đất tươi xanh