Làm giàu trên vùng đất Khánh Sơn
Lập nghiệp với cây sầu riêng
Ông Tháo chia sẻ, ông sinh ra ở vùng đất Nam Định, do kinh tế ở địa phương khó khăn nên gia đình ông đã đi kinh tế mới ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2007, trong một lần cùng bạn bè đến Khánh Sơn tham quan, tìm hiểu mô hình trồng cây sầu riêng, nhận thấy đây là vùng “đất lành, chim đậu”, ông đã quyết định tìm mua đất, chuyển đến Khánh Sơn sinh sống, lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng đất mới, gia đình ông đã trải qua không ít khó khăn khi đất đai thổ nhưỡng ở Khánh Sơn tuy phù hợp trồng cây ăn quả nhưng địa hình đồi dốc, trong khi đường giao thông còn nhỏ hẹp, việc vận chuyển cây giống, phân bón… để lập vườn gặp nhiều khó khăn; lúc ấy chưa có điện để bơm tưới, gia đình ông phải sử dụng máy nổ, bơm nhiều chặng mới đưa được nước đến với cây trồng…
Ban đầu, gia đình ông trồng 400 cây sầu riêng trên diện tích khoảng 2ha; do chưa có kinh nghiệm nên một số cây bị chết hoặc bị bệnh xì mủ; rồi những đợt sầu riêng đang giai đoạn ra hoa, kết trái thì bị rụng gần hết. Không nản lòng, ông tham gia các lớp tập huấn trồng và chăm sóc sầu riêng, tìm hiểu kinh nghiệm từ những người trồng hiệu quả. Kết hợp với thực tế trồng, chăm sóc sầu riêng của mình, ông đúc rút kinh nghiệm riêng, khắc phục dần những thất bại để hình thành được vườn sầu riêng cho năng suất cao. Nhờ trồng sầu riêng, gia đình ông đã có được cuộc sống ổn định, khấm khá hơn khi sản lượng sầu riêng, giá bán ngày càng tăng. Những vụ đầu tiên sản lượng còn thấp, chỉ khoảng 15 - 17 tấn, đến năm 2017 vườn sầu riêng của gia đình ông thu được 70 tấn, năm 2023 đạt 150 tấn. Vụ năm nay, 14ha sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông thu được hơn 200 tấn, nhờ giá bán cao, hơn 80.000 đồng/kg nên doanh thu đạt đến hơn 16 tỷ đồng.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn sầu riêng xanh mướt mắt, được đầu tư bài bản với hệ thống tưới tiết kiệm dẫn đến từng gốc cây, được chăm sóc tốt…, ông Tháo chia sẻ bí quyết thành công của mình: “Cái chính là cần cù, chăm chỉ làm ăn, chịu khó học tập kinh nghiệm, nắm bắt được nhu cầu của thị trường để đầu tư cho đúng. Trong quá trình trồng sầu riêng, tôi đã đúc rút được kinh nghiệm, nắm bắt được kỹ thuật trong việc xử lý cho cây ra hoa, đậu trái, đây là yếu tố quan trọng giúp năng suất, sản lượng sầu riêng đạt cao”.
Hội viên nông dân tiêu biểu
Sau nhiều năm tích góp vốn, gần đây, gia đình ông Tháo đã mua thêm 10ha đất để xuống giống trồng sầu riêng, với tổng diện tích hiện có 24ha. Với mô hình trồng sầu riêng trên vườn đồi, gia đình ông đã tạo việc làm cho 20 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nghèo làm công tại vườn của ông Tháo còn được ông giúp đỡ về vốn, kỹ thuật để phát triển cây sầu riêng trong vườn nhà. Không ít hội viên nông dân xã Sơn Trung và các xã lân cận xem vườn sầu riêng của gia đình ông Tháo là hình mẫu để học tập, áp dụng vào vườn của gia đình mình. Những ai tìm đến tham quan, học hỏi đều được ông Tháo nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ông Tháo còn đi đầu trong các phong trào của địa phương, nhất là việc ông hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường phục vụ dân sinh tại xã.
- [08/10/2024] Thứ nước đặc sệt bổ dưỡng lấy từ núi rừng Khánh Hòa được một phụ nữ bán khắp nơi
- [03/10/2024] Người ta đang đến nhà một ông nông dân ở Khánh Hòa ăn tôm hùm, mực tươi, ngắm biển xanh, cát trắng
- [02/10/2024] Trang trại Sản Việt: Vùng đất tươi xanh
- [02/10/2024] Làng trầm vào vụ Tết
- [30/09/2024] Cơ ngơi 130ha nông nghiệp tuần hoàn của Sản Việt
- [16/09/2024] Một nông dân vượt khó vươn lên
- [12/09/2024] Khi drone nông nghiệp cất cánh
- [09/09/2024] Sầu riêng Thành Hưng: Món quà chất lượng
- [09/09/2024] Trồng nấm theo hướng hữu cơ cho chất lượng ngon, ngọt
- [09/09/2024] 8X Khánh Hòa làm nông nghiệp tuần hoàn để giới thiệu cho nông dân hai huyện miền núi