Hợp tác xã nuôi tôm thẻ chân trắng với tỷ lệ thành công đạt 80%
Những ngày này, chúng tôi đến Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú, nằm ở thôn Hang Dơi, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), khi các ao nuôi đã lần lượt vệ sinh, xử lý kỹ càng để chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm thẻ chân trắng mới.
Được thành lập vào năm 2019, hiện Hợp tác xã này có 6 thành viên với tổng diện tích gần 10ha, trong đó khoảng 4ha là ao nuôi, còn lại là các ao chứa lắng.
Ông Lê Minh Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú cho biết, hiện Hợp tác xã nuôi tôm từ 3-4 vụ/năm, sản lượng dao động từ 300-400 tấn, sau khi trừ chi phí, lãi hàng chục tỷ đồng/năm.
“Năm 2023 vừa qua, chúng tôi thả nuôi đạt sản lượng trên 300 tấn. Dù giá tôm thương phẩm thu mua ở mức thấp nhưng Hợp tác xã vẫn lãi trên 10 tỷ đồng. Đặc biệt, lứa tôm đầu vụ của năm vừa qua, các thành viên Hợp tác xã đều thả nuôi với tỷ lệ thành công đạt 100%”, ông Chính chia sẻ.
Tham quan cơ sở nuôi của các thành viên trong Hợp tác xã, chúng tôi ghi nhận sự đầu tư bài bản như: Tất cả ao thả nuôi đều lót bạt, kết hợp hệ thống xi phông tự động, hệ thống sục khí, máy cho ăn tự động. Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi còn đầu tư máy phát điện dự phòng để ứng phó kịp thời trong tình huống mất điện.
Thời gian qua, để nuôi tôm hiệu quả, Hợp tác xã này đã ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc. Đây là công nghệ được hiểu là làm sạch, ổn định môi trường nước bằng vi tảo. Khối Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm nuôi, đồng thời ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước.
Đặc biệt, công nghệ trên được kết hợp vào nuôi 2-3 giai đoạn đã giúp kiểm soát tốt nhiều loại mầm bệnh từ khi thả con giống cho đến thu hoạch. Cụ thể, giai đoạn 1, tôm được ương trong bể 120m3, mật độ 25-50 vạn con giống, thời gian ương khoảng 30 ngày. Khi đó, tôm sẽ đạt kích cỡ từ 1.000-1.200 con/kg, để đưa xuống ao nuôi ngoài trời, tức là giai đoạn 2.
Thời gian nuôi giai đoạn 2 khoảng 25 ngày, lúc này tôm đạt kích cỡ từ 200-250 con/kg, mật độ 500 con/m2 sẽ chuyển sang giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3, tôm nuôi với mật độ từ 250-300 con/m2. Đến khi kết thúc khoảng 90 ngày, tôm sẽ đạt kích cỡ trung bình 50 con/kg thì thu hoạch.
Theo ông Lê Minh Chính, với cách nuôi trên, các thành viên trong Hợp tác xã không chỉ quản lý tốt rủi ro con giống ban đầu mà còn giảm được chi phí thức ăn, tiền điện. Đây cũng là cách giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Nguyễn Tấn Hoàng, thành viên Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú cho biết, thời gian qua, các thành viên trong Hợp tác xã đã trao đổi kinh nghiệm trong nuôi tôm, từ đó rút ra quy trình nuôi chung hiệu quả để mọi người áp dụng. Hiện nay, mô hình của Hợp tác xã là nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc kết hợp 3 giai đoạn đã giúp cho các thành viên thả nuôi với tỷ lệ thành công đạt từ 70-80%.
Như gia đình ông Hoàng có 2 ao nuôi với tổng diện tích 2.400m2 (mỗi ao 1.200m2). Nếu nuôi thành công, mỗi ao cho thu hoạch bình quân từ 6-7 tấn/vụ, có lúc đạt 8 tấn/vụ. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông bỏ túi từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng, rất phấn khởi.
Không chỉ làm giàu cho các thành viên, hiện vùng nuôi của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú còn tạo công ăn việc làm cho 30 lao động trong và ngoài địa phương.
Ông Trần Quang Châu, một lao động nuôi tôm tại đây cho biết, lao động làm việc tại các ao đìa của Hợp tác xã có thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nhờ cách nuôi hiệu quả nên ngoài mức lương cố định, các lao động còn thường xuyên được thưởng thêm tiền. “Từ ngày chúng tôi làm việc tại đây, rất yên tâm về thu nhập và giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn”, ông Trần Quang Châu nói.
Về định hướng trong thời tới, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy Ninh Phú cho biết, sẽ tiếp tục vận dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giúp việc nuôi tôm ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đang ấp ủ xây dựng mô hình điểm về công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ trên địa bàn tỉnh, đồng thời kết với du lịch. Tuy nhiên, do Nhà nước chưa hỗ trợ giao đất nên Hợp tác xã chưa triển khai đầu tư cơ sở nuôi hiện đại.
Theo ông Nguyễn Tấn Hoàng đánh giá, từ khi tham gia Hợp tác xã, các thành viên đã phát huy được quy trình nuôi hiệu quả hơn là tự phát nuôi một mình như trước đây. Vì mỗi người đều có khía cạnh chuyên nghiệp nên chia sẻ lẫn nhau để hoàn thiện từng khâu nuôi. Đặc biệt, Hợp tác xã có nhu cầu con giống rất lớn nên các công ty cung cấp sẽ có chính sách ưu đãi và trách nhiệm cao hơn so với nuôi nhỏ lẻ. Tương tự, về đầu ra, do Hợp tác xã có sản lượng mỗi vụ cao nên thương lái đưa ra giá thu mua tốt hơn so với nuôi nhỏ lẻ.
- [28/10/2024] Gia đình nông dân cần cù, vượt khó thoát nghèo
- [25/10/2024] Trồng "cây tiền tỷ" công nghệ sinh học là trồng kiểu gì mà một ông nông dân Khánh Hòa lãi 600 triệu
- [08/10/2024] Thứ nước đặc sệt bổ dưỡng lấy từ núi rừng Khánh Hòa được một phụ nữ bán khắp nơi
- [03/10/2024] Người ta đang đến nhà một ông nông dân ở Khánh Hòa ăn tôm hùm, mực tươi, ngắm biển xanh, cát trắng
- [02/10/2024] Trang trại Sản Việt: Vùng đất tươi xanh
- [11/03/2024] Một nông dân Raglai nỗ lực thoát nghèo
- [01/03/2024] Nuôi cá đặc sản, đớp mồi nhảy rào rào, anh nông dân Khánh Hòa bán 150.000-200.000 đồng/kg
- [06/02/2024] Nông dân xã Diên Thạnh trồng hoa đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024
- [30/01/2024] Một cơ sở chế tác ở Khánh Hòa làm các con linh vật bằng vỏ ốc có hình dáng độc đáo
- [25/01/2024] Làng nghề đúc đồng hơn 200 năm tuổi ở Khánh Hòa vào mùa Tết