Hội Nông dân phường Ninh Diêm với mô hình sản xuất muối sạch kết tinh trên bạt kết hợp xây hồ chứa nước chạt

| |
Ninh Diêm là phường có diện tích sản xuất muối lớn nhất của thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nghề làm muối nơi đây đã có từ lâu đời và là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân ven biển. Hiện nay trên địa bàn phường Ninh Diêm, một số nông dân đã chuyển đổi kỹ thuật sản xuất muối trên nền đất sang nền lót bạt, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.

Trước đây, nghề làm muối tại địa phương chủ yếu là sản xuất theo kỹ thuật truyền thống (làm muối trên nền đất). Để có một ruộng muối đưa vào sản xuất diêm dân phải chuẩn bị hết sức công phu và tốn nhiều thời gian từ cải tạo nền đất, nạo vét, phơi bùn, làm chắc nền ruộng. Một vụ muối người dân phải mất 1 - 2 tháng để chuẩn bị, thế nhưng hạt muối làm ra chất lượng lại kém, lẫn tạp chất quá nhiều, giá thành thấp, khó tiêu thụ, nên năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, một số diêm dân phải bỏ nghề đi nơi khác mưu sinh, một số chuyển đổi sang cải tạo thành hồ nuôi tôm, nhưng hiệu quả nuôi cũng không cao.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất muối, người diêm dân đã chuyển đổi sang sản xuất muối sạch theo phương pháp “Kết tinh trên bạt kết hợp xây hồ chứa nước chạt” là kỹ thuật sản xuất muối tập trung, chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất muối chất lượng thượng hạng theo tiêu chuẩn TCVN 3974-84, tránh được thiệt hại không may trong thời tiết, mang lại hiệu quả kinh tế, năng suất và lợi nhuận cao hơn đối với quy trình sản xuất muối thông thường trên nền đất. Với quy trình sản xuất theo phương pháp “Kết tinh trên bạt kết hợp xây hồ chứa nước chạt” thì chỉ cần có 3 - 5 ngày nắng liên tục đã đảm bảo người nông dân có muối thu hoạch.
 
14.jpg (100 KB)
 
Trải bạt tại ô kết tinh
 
Về cơ bản, giai đoạn sản xuất muối theo phương pháp trải bạt giống với phương pháp truyền thống, chỉ khác ở ô kết tinh có lót bạt nhựa. Sau 3 - 5 ngày là có thể thu hoạch muối trong khi đó nền đất phải mất từ 5 - 7 ngày. Nếu làm muối trên nền đất, khi xảy ra cơn mưa trái mùa hay làm lại vụ mới phải mất từ 2 - 3 ngày mới cải tạo xong ruộng. Còn làm muối trên sân trải bạt thì chỉ cần sau khi thu hoạch muối xong, dọn sạch sẽ ô trải bạt không để nước cũ tồn nhiều trên mặt bạt làm ảnh hưởng đến chất lượng muối, đã có thể tiếp tục đưa nước từ các ô chứa vào ô kết tinh để sản xuất tiếp. Thông thường, để phủ kín bạt trên diện tích 100 m2 ruộng kết tinh, diêm dân tốn khoảng 4 - 5 triệu đồng, bạt sau khi kết thúc mùa vụ được gom về để dành cho vụ sau, có thể tái sử dụng được 5 - 6 vụ.
Trong quá trình sản xuất muối, nếu xuất hiện các cơn mưa, diêm dân bơm toàn bộ nước biển có độ mặn cao về hồ chứa đã xây (hồ chứa nước chạt có che mưa, sử dụng máy bơm hoặc tháo trực tiếp qua hệ thống mương dẫn). Khi trời nắng, nước chạt sẽ được bơm ra để kết tinh lại. Từ đó giúp cho quá trình sản xuất muối không bị gián đoạn khi thời tiết thay đổi thất thường. Thực hiện mô hình này, hộ diêm dân có thể sản xuất muối trong mùa mưa (vào những tháng có số ngày nắng liên tục từ 3 - 5 ngày trở lên là có muối thu hoạch).
 
15.jpg (66 KB)
Hồ chứa nước chạt
 

Với mô hình sản xuất muối sạch kết tinh trên bạt cho thấy, công nghệ sản xuất đã cho sản phẩm sạch có năng suất cao hơn sản xuất muối thường 2 - 3 lần, đạt chất lượng muối thượng hạng theo tiêu chuẩn TCVN 3974-84, thu nhập của người làm muối tăng 2 - 2,5 lần, sản phẩm được tiêu thụ hết. Cùng với đó, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm muối sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống sang muối sạch là hướng đi mới tất yếu nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con diêm dân tại địa phương và nâng cao giá trị hạt muối. Đây là phương pháp cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả và đang dần phát triển tại địa phương, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân để cải thiện đời sống và đặc biệt không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, đem lại lợi nhuận cao trong quá trình sản xuất lâu dài, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong từng vụ mùa.

                                                                                  Đặng Thị Minh Thư